TOP

Trang chủ >>Tin Mới

Cần giải pháp đột phá để kích tăng trưởng 2023

Muốn đạt được mục tiêu tăng trưởng năm 2023, cần giải quyết việc giải ngân vốn đầu tư công, gỡ khó cho ngành bất động sản, thị trường chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp…

 

“Năm 2023, kinh tế Việt Nam (VN) sẽ đối diện với nhiều khó khăn cả trong và ngoài nước. Để đạt mục tiêu tăng trưởng 6,5% trong năm tới, Chính phủ cần tập trung giải quyết những vấn đề nội tại, kèm giải pháp đột phá”.

TS Cấn Văn Lực, chuyên gia kinh tế, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính - tiền tệ quốc gia, đã nói như trên khi trao đổi với Pháp Luật TP.HCM bên lề Diễn đàn Kinh tế VN lần thứ năm. Hội nghị do Ủy ban Kinh tế Trung ương và Chính phủ đồng tổ chức, vừa diễn ra cuối tuần qua tại Hà Nội.

Tăng trưởng 6,5% trong năm 2023 là thách thức. Phóng viên: Theo ông, những khó khăn, thách thức và cơ hội nào đang chờ đợi chúng ta trong năm 2023?

Cần giải pháp đột phá để kích tăng trưởng 2023

+ TS Cấn Văn Lực: Chúng tôi nhận định có ba thách thức chính. Thứ nhất, một số khu vực, quốc gia, đặc biệt là các đối tác kinh tế lớn của VN có thể rơi vào suy thoái nhẹ, cục bộ, ngắn hạn như Mỹ, Anh... điều này làm giảm lực cầu xuất khẩu, đầu tư và du lịch quốc tế tới nước ta.

Thứ hai, kinh tế Trung Quốc vẫn giữ mức tăng trưởng thấp dù họ dần mở cửa thị trường.

Thứ ba, hệ thống thị trường tài chính - tiền tệ quốc tế thanh khoản kém, rủi ro ở mức cao dễ dẫn đến nguy cơ vỡ nợ cao với cả các chính phủ, doanh nghiệp (DN) và hộ gia đình.

Cả ba rủi ro trên cộng lại sẽ tác động khá lớn tới chúng ta, bởi VN có độ mở rất lớn. Cũng vì vậy, Quỹ Tiền tệ Quốc tế đã sơ bộ lượng hóa ba tác động này đối với kinh tế VN, khiến GDP trong nước giảm 2% điểm trong trường hợp chúng ta không làm gì cả.

Về cơ hội, chúng ta cũng dễ nhìn thấy việc Trung Quốc đã dần mở cửa lại thị trường nên sẽ giảm bớt rủi ro về chuỗi cung ứng, khách du lịch từ Trung Quốc vào VN nhiều hơn và tăng lực cầu của toàn thế giới, trong đó có VN với các mặt hàng xuất khẩu cũng như đầu tư… Tuy nhiên, đây cũng là áp lực với VN về tính cạnh tranh, bởi mặt hàng xuất khẩu Trung Quốc tương đồng với chúng ta.

Thủ tướng Phạm Minh Chính với các đại biểu dự Diễn đàn Kinh tế Việt Nam. Ảnh: TTXVN. Vậy VN cần phải làm gì để ứng phó với những thách thức, nhằm mở ra cơ hội phát triển với mục tiêu dự kiến 6,5% vào năm tới, thưa ông?

+ Tôi cho rằng năm tới mức tăng trưởng nền kinh tế 6,5% là thách thức. Khi phân tích bối cảnh trong và ngoài nước, chúng tôi đưa ra kịch bản trung bình tăng trưởng năm 2023 của chúng ta ở mức 6%. Tất nhiên, Quốc hội, Chính phủ đưa ra dự kiến mức cao hơn để phấn đấu.

Nhưng theo tôi, để đạt được tăng trưởng như dự kiến của Quốc hội, Chính phủ thì cần giải quyết trước các vấn đề nội tại trong nước kèm theo những giải pháp đột phá hơn.

Trong đó, nhiệm vụ chung của Quốc hội, Chính phủ là cần tiếp tục kiên định ổn định kinh tế vĩ mô, đảm bảo các cân đối lớn của nền kinh tế.

Cụ thể ở đây là các cơ quan quản lý nhà nước cần tiếp tục bám sát tình hình kinh tế, tài chính quốc tế; chủ động phân tích, dự báo diễn biến thị trường tài chính - tiền tệ quốc tế để có kịch bản chủ động ứng phó phù hợp. Cùng đó là phối hợp chặt chẽ, hiệu quả giữa chính sách tiền tệ, chính sách tài khóa và các chính sách vĩ mô khác nhằm kiểm soát lạm phát, cân bằng giữa kiểm soát và thúc đẩy tăng trưởng, giữa lãi suất và tỉ giá...

Những vấn đề nội tại cần giải quyết đó là vốn từ Chương trình phục hồi kinh tế - xã hội được Quốc hội thông qua với gói hỗ trợ cho nền kinh tế lên tới 300.000 tỉ đồng nhưng hiện Chính phủ triển khai tương đối chậm, đến nay mới giải ngân được 24%-25%. Hiện Chính phủ đã nhận diện được những vướng mắc trong triển khai, thực hiện chương trình này nên năm tới còn rất nhiều việc phải làm.

Cạnh đó, chúng ta cần chú trọng hoàn thiện thể chế, đặc biệt một số luật quan trọng như Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản, Luật Chứng khoán, Luật DN… đồng thời hoàn thiện các thể chế cho các mô hình kinh doanh mới về chuyển đổi số, ngân hàng số, năng lượng tái tạo… Nhưng trong đó chúng ta phải đảm bảo các văn bản pháp luật ra đời thì quá trình thực thi phải tốt hơn.

Cần gỡ vướng vấn đề pháp lý cho DN. Một trong những hạn chế thời gian qua của chúng ta còn đến từ việc chậm giải ngân vốn đầu tư công, thị trường bất động sản “ngủ đông”, các sai phạm trên thị trường chứng khoán, trái phiếu DN… Chúng ta cần phải làm gì để tháo gỡ và phát triển, thưa ông?

+ Có thể thấy giải ngân vốn đầu tư công 11 tháng năm 2022 mới đạt trên 58% là thấp. Cả Chính phủ và Quốc hội đều nhận diện ra điểm yếu của nó là khâu chuẩn bị dự án không tốt. Nên tới đây dứt khoát dự án nào chuẩn bị chưa tốt, quá ngắn hạn thì không nên phê duyệt.

Một tổ chức thế giới cũng nhìn nhận đầu tư công của chúng ta còn manh mún, nhiều dự án đăng ký cho có, đăng ký rất ngắn hạn, cái này phải khắc phục sớm trong thời gian tới.

Chúng ta cần phải xem lại phân cấp, ủy quyền; cần làm rõ trách nhiệm và vai trò của người đứng đầu trong giải ngân vốn. Các bộ, ngành cũng cần phối hợp nhịp nhàng trong xử lý vướng mắc đầu tư công. Chẳng hạn, thời gian qua biến động giá nguyên liệu, nhiên vật liệu nhiều bộ, ngành chưa xử lý định mức đơn giá sát thị trường dẫn đến một số dự án thi công cầm chừng hoặc dừng thi công…

Về thị trường bất động sản, vừa qua tổ công tác Chính phủ tiến hành rà soát và có trao đổi với chúng tôi thì thấy rằng 60%-70% vướng mắc hiện nay do vấn đề pháp lý. Điều này dẫn tới tắc hàng ngàn dự án ở TP.HCM và vài trăm dự án ở Hà Nội.

2023 là năm bản lề cho mục tiêu phát triển cả giai đoạn

Năm 2023, bối cảnh khu vực và quốc tế sẽ tiếp tục có những diễn biến phức tạp và khó lường. Đối với VN, bản thân chúng ta cũng đang đối diện với rất nhiều vấn đề mang tính nội tại và nó chưa được giải quyết.

Ví dụ, những dấu hiệu bất ổn của thị trường bất động sản, thị trường vốn, rồi khả năng thanh khoản của các tổ chức tín dụng…, khả năng chống chịu của nền kinh tế, năng lực tự chủ của nền kinh tế còn thấp.

Giải ngân đầu tư công thấp, điều này tạo nên nghịch lý nền kinh tế thì thiếu vốn trong khi nguồn lực khá lớn của Nhà nước lại không thể đưa vào lưu thông trong nền kinh tế. Tất cả điều này sẽ đặt ra những nhiệm vụ rất lớn, khó khăn cho chúng ta trong năm 2023.

Cạnh đó, 2023 là năm bản lề, năm vô cùng quan trọng để đảm bảo việc thực hiện các mục tiêu trong kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm năm, giai đoạn 2021-2025, cũng như việc thực hiện các đường lối, quan điểm phát triển mà Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII đã đề ra.

Vì vậy, chúng ta cần làm rõ được bài học kinh nghiệm, nhận diện rất rõ những khó khăn, thách thức và cả những cơ hội trong phát triển kinh tế - xã hội của đất nước cũng như thực hiện các nghị quyết của Đảng.

Chúng ta cũng phải đề ra các cơ chế, chính sách, các giải pháp để hướng tới mục tiêu phát triển; đảm bảo ổn định kinh tế vĩ mô, đảm bảo các cân đối lớn của nền kinh tế, vượt qua các khó khăn, thách thức nội tại để đưa nền kinh tế của chúng ta tiếp tục phát triển nhanh và bền vững trong năm 2023.

Ông TRẦN TUẤN ANH, Trưởng ban Kinh tế Trung ương

Khi nhận diện được vấn đề, Thủ tướng đã có những chỉ thị để tháo gỡ cho thị trường này. Chẳng hạn như nới room tín dụng cho DN bất động sản, đặc biệt là nhà ở xã hội, bất động sản khu công nghiệp…

Nhưng thời gian tới chúng ta cũng cần khơi thông dòng vốn tốt hơn, giảm áp lực lên ngân hàng. Muốn vậy phải sớm tháo gỡ vướng mắc thị trường trái phiếu DN. Trong đó, bản thân DN phải tái cấu trúc, chủ động đàm phán với các trái chủ để giãn, hoãn nợ, thay đổi điều khoản phát hành trái phiếu. Song song đó, cần sẵn sàng bán một số dự án để có tiền trả nợ các trái chủ đúng hạn, lúc đó mới lấy được niềm tin của nhà đầu tư và thị trường.

Về phía Nhà nước, cần giải quyết nhanh các vụ việc sai phạm để lấy lại niềm tin. Sớm có hướng dẫn để DN đàm phán với trái chủ về việc giãn, hoãn nợ, đổi trái phiếu lấy tài sản…

Đối với thị trường chứng khoán, Bộ Tài chính, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước nên sớm phát triển các sản phẩm chứng khoán phái sinh mới như hợp đồng tương lai trên chỉ số cổ phiếu khác, hợp đồng tương lai trên cổ phiếu đơn lẻ, hợp đồng quyền chọn… nhằm đa dạng hóa sản phẩm, khắc phục hạn chế của hợp đồng tương lai chỉ số VN30 hiện tại, thu hút các nhà đầu tư trong và ngoài nước.

. Xin cám ơn ông.Việt Nam sẽ ứng xử phù hợp với mọi rủi ro

Tại Diễn đàn Kinh tế Việt Nam (VN) lần thứ năm, Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định đã lắng nghe và thu hoạch được rất nhiều nội dung rất đúng, rất trúng. Thủ tướng đề nghị các cơ quan chức năng, nhà khoa học, người dân và doanh nghiệp (DN), “tất cả đều phải vào cuộc”. Ông cho rằng càng khó khăn, thách thức càng phải quyết tâm, đồng lòng, chung sức với tinh thần hài hòa lợi ích, chia sẻ rủi ro giữa Nhà nước, DN và người dân.

Đi cụ thể vào từng lĩnh vực đang có bất cập thời gian qua, Thủ tướng lấy ví dụ thị trường chứng khoán dễ bị “thổi” lên. Nhiều trái phiếu DN phát hành không có tài sản bảo đảm, lãi suất cao đi kèm rủi ro nhưng không tư vấn cho khách hàng... Lĩnh vực ngân hàng có tình trạng sở hữu chéo. Thị trường bất động sản tập trung vào phân khúc cho người giàu.

Thủ tướng nêu rõ chúng ta tôn trọng quy luật thị trường nhưng khi cần thiết, trong bối cảnh không bình thường thì Nhà nước phải có sự can thiệp, xây dựng cơ chế, chính sách để giải quyết; DN cũng phải điều chỉnh lại, người dân cũng phải chia sẻ; tất cả cùng suy nghĩ, cùng làm; hài hòa lợi ích, chia sẻ rủi ro giữa người dân, DN và Nhà nước.

Thủ tướng đề nghị các ngân hàng tìm cách giảm lãi suất để hỗ trợ DN và người dân trong bối cảnh khó khăn. Các tổ chức phát hành trái phiếu cần thực hiện theo đúng cam kết. Trường hợp có khó khăn, chủ động đàm phán với nhà đầu tư và nhà đầu tư cũng phải chia sẻ với DN phát hành, theo đúng quy định pháp luật.

Về thị trường bất động sản, phải cơ cấu lại các phân khúc, giá, sản phẩm, hỗ trợ phát triển các dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, nhà ở thương mại cho người có thu nhập thấp... “Nhà nước có chính sách nhưng các DN cũng phải thay đổi, không thể neo giá cao mãi, chỉ làm phân khúc cho người giàu thì người nghèo, thu nhập thấp không thể tiếp cận được” - Thủ tướng nhấn mạnh.

Năm 2023, Thủ tướng cho biết những dự báo cho thấy sẽ khó khăn, thách thức và cơ hội hơn so với năm 2022, đòi hỏi chúng ta phải chuẩn bị tâm thế, sẵn sàng ứng xử phù hợp với mọi rủi ro, thách thức, có quyết tâm cao hơn, nỗ lực lớn hơn, hành động quyết liệt, hiệu quả hơn.

“Chúng ta không hoang mang, lo sợ, dao động, cũng không chủ quan, lơ là, mất cảnh giác, mà giữ vững bản lĩnh, bình tĩnh, nắm chắc tình hình để đưa ra giải pháp. Tất nhiên, không có giải pháp hoàn hảo, cũng không có lựa chọn hoàn hảo, chỉ có giải pháp, lựa chọn tốt nhất và phải có ưu tiên phù hợp” - Thủ tướng phát biểu.

VIẾT LONG - TUYẾN PHAN

Nguồn baomoi.com

Cần giải pháp đột phá để kích tăng trưởng 2023 - Tin Mới