Những người yêu môi trường
Suốt 3 năm nay, đúng 6h mỗi sáng Chủ nhật, người dân TP.Đà Nẵng lại thấy nhóm người khuyết tật tay cầm dụng cụ chuyên dụng, tình nguyện đi thu gom rác dọc các bãi biển. Dù vận động khó khăn, họ vẫn thực hiện việc thu gom rác trong niềm nở, vui tươi.
Họ là thành viên của Hòa Nhập Xanh, một nhóm người khuyết tật có chung tình yêu môi trường và khát vọng được cống hiến, giúp ích cho cộng đồng. Hòa Nhập Xanh được anh Mai Huỳnh Quốc Thống (34 tuổi, Đà Nẵng) thành lập từ năm 2019 sau nhiều thời gian trăn trở, thai ngén.
Anh kể: “Là một người khuyết tật, tôi thấu hiểu tâm tư, tình cảm của người đồng cảnh ngộ. Tôi luôn mong muốn người khuyết tật hòa nhập cộng đồng, thậm chí có thể đóng góp gì đó cho cộng đồng.
Trăn trở mãi, tôi thấy rằng, những người như mình có thể đóng góp cho xã hội thông qua việc bảo vệ môi trường. Bởi hiện nay, môi trường đang bị ô nhiễm. Do đó, tôi quyết định thành lập nhóm”.
Tuy vậy, ý tưởng nhân văn của anh vấp phải nhiều thách thức. Không mấy ai đồng tình với ý tưởng này nên khi được anh vận động, không ai muốn tham gia nhóm. Thậm chí, anh bị chính những người đồng cảnh ngộ chê cười, nói đang làm chuyện bao đồng, phí thời gian.
Anh Thống (áo thun xanh) sau một chuyến nhặt rác bờ biển cùng nhóm Hòa Nhập Xanh và các tình nguyện viên. (Ảnh: Nhân vật cung cấp).
Những câu nói chua cay, cái cười châm biếm ấy khiến anh chạnh lòng. Có lúc anh nhụt chí, định bỏ cuộc. Thế nhưng cuối cùng anh vẫn kiên định với suy nghĩ: “Việc làm này đúng và cần thiết” nên “ ai nói cứ nói, ai chê cứ chê, việc mình, mình cứ làm”.
Bỏ mặc những lời khen chê, một mình anh đi dọc bãi biển nhặt rác. Sau đó, anh có thêm những người đồng cảnh ngộ cùng tham gia. Cuối cùng anh quyết định cùng những người khuyết tật khác thành lập Hòa Nhập Xanh với hy vọng xóa nhòa sự tự ti giúp người khuyết tật hòa nhập cộng đồng.
“Dần dần các bạn hiểu, thấy việc làm của nhóm có ý nghĩa nên tham gia. Cứ thế, thành viên của nhóm tăng nhanh. Từ đó, chúng tôi mở rộng khu vực thu gom rác từ bãi biển Nguyễn Tất Thành, Mân Thái đến Âu thuyền Thọ Quang, bán đảo Sơn Trà...”, anh Thống nói.
Hiện nay, các thành viên của Hòa Nhập Xanh đều là người có khiếm khuyết nhất định trên cơ thể như: khuyết tật tay chân, khuyết tật nghe nhìn… Do đó, việc tham gia hoạt động nhặt rác trở nên khó khăn, vất vả hơn gấp bội so với người bình thường.
Chị Mỹ Trinh (áo khoác xanh) là một trong những thành viên đầu tiên của nhóm và tích cực làm sạch môi trường suốt nhiều năm qua.
Để khắc phục hạn chế này, mỗi khi tổ chức hoạt động thu gom rác bãi biển, anh Thống đều liên hệ, kêu gọi các tình nguyện viên là những người bình thường cùng tham gia. Trong quá trình thu gom rác thải, các tình nguyện viên sẽ hỗ trợ thành viên nhóm những công việc nặng nhọc, vượt quá khả năng của họ.
Thành công kép
Hiện nay, hoạt động của Hòa Nhập Xanh được nhiều người đồng tình, ủng hộ. Mỗi khi nhóm tổ chức hoạt động bảo vệ môi trường, anh Thống đều kết hợp với nhiều cơ quan, đoàn thể, tình nguyện viên khác nhau.
Việc này không chỉ giúp nâng cao hiệu quả thu gom rác thải mà còn giúp hoạt động này lan tỏa rộng hơn, xa hơn. Ngoài ra, nó còn mang một ý nghĩa khác mà anh Thống hướng đến từ ngày đầu thành lập nhóm. Đó là giúp những bạn khuyết tật khác hòa nhập cộng đồng.
Anh Thống nói: “Khi kết hợp như vậy, các thành viên của nhóm sẽ tự tin hơn trong vấn đề giao tiếp, hòa nhập với mọi người. Từ đó, sẽ không có rào cản nào giữa người khuyết tật và người bình thường mà chỉ có một câu chuyện chung thôi là cùng nhau bảo vệ, làm sạch môi trường.
Đến thời điểm hiện tại, có thể nói hoạt động của Hòa Nhập Xanh đang đạt thành công kép khi vừa giúp các thành viên, người dân nâng cao ý thức bảo vệ môi trường vừa giúp người khuyết tật tự tin hơn, hòa nhập dễ dàng hơn với cộng đồng”.
Một buổi thu gom rác thải bờ biển của nhóm Hòa Nhập Xanh và tình nguyện viên. (Ảnh: Nhân vật cung cấp).
Là một trong những người đầu tiên tham gia Hòa Nhập Xanh, chị Đặng Thị Mỹ Trinh (SN 1982, phường Mân Thái, quận Sơn Trà, TP.Đà Nẵng) cho biết, chị bị khuyết tật vận động bẩm sinh. Thế nhưng sau lần được nghe câu chuyện môi trường bị ô nhiễm, ảnh hưởng trực tiếp đến cuộc sống, chị đã tình nguyện tham gia nhóm để được đi thu gom rác thải.
Mỗi sáng Chủ nhật, chị bắt đầu có mặt tại điểm tập kết lúc 6h sáng. Sau đó, chị cùng các thành viên nhóm tiến hành thu gom rác. Chị cố gắng thực hiện công việc này một mình. Chỉ khi phải vận chuyển những bao rác to, nặng, cồng kềnh đến điểm tập kết, chị mới nhờ các tình nguyện viên hỗ trợ.
Chị chia sẻ: “Người khuyết tật như tôi có nhiều khó khăn lắm nhưng đóng góp cho xã hội được gì thì mình cố gắng. Sáng Chủ nhật hàng tuần, tôi tham gia nhặt rác, làm sạch môi trường từ 6h-8h rồi mới tiếp tục mưu sinh.
Đi làm như vậy, tôi không thấy cực mà lại rất vui. Tôi không chỉ gặp những người đồng cảnh ngộ mà còn được giao lưu với các tình nguyện viên là học sinh, sinh viên, cán bộ… Vui nhất là bản thân thấy mình khuyết tật nhưng vẫn có ích, đóng góp được cho xã hội”.
Được đóng góp cho cộng đồng, anh Thống, chị Trinh cũng như các thành viên của Hòa Nhập Xanh cảm thấy vui và rất hạnh phúc. (Ảnh: Nhân vật cung cấp).
Trong khi đó, chị Nguyễn Thị Minh Dung Chủ tịch Hội Phụ nữ phường An Hải Tây (quận Sơn Trà, TP.Đà Nẵng) lại là tình nguyện viên tích cực của Hòa Nhập Xanh. Mỗi khi có thời gian rảnh, chị đều thu xếp việc nhà để tham gia nhặt rác cùng nhóm.
Đặc biệt, khi cơ quan có hoạt động bảo vệ môi trường, chị lại kết hợp tổ chức, thực hiện với nhóm Hòa Nhập Xanh. Chị Dung nói: “Các thành viên của Hòa Nhập Xanh là người khuyết tật của TP.Đà Nẵng chứ không riêng gì một phường, quận nào.
Mặc dù các thành viên đều là người khuyết tật nhưng ai cũng cố gắng vươn lên trong cuộc sống và sống có ích với quan điểm tàn nhưng không phế; vẫn là những đóa hoa tươi đẹp cho đời. Họ vừa tự làm việc để nuôi sống bản thân vừa cố gắng góp sức, tham gia các hoạt động vì cộng đồng mà không đòi hỏi bất cứ điều gì”.