Máy bay ném bom chiến lược tầm xa tàng hình thế hệ mới B-21 Raider được thiết kế để thay thế các máy bay chiến đấu B-1 Lancer và B-2 Spirit, đồng thời trở thành xương sống của phi đội máy bay ném bom của Không quân Mỹ.
Máy bay ném bom tàng hình B-21 Raider. Ảnh minh họa: Không quân Mỹ
Nằm trong một chương trình vũ khí lớn, B-21 được cho là đã xuất hiện đúng thời điểm và nằm trong gói ngân sách 25,1 tỷ USD mà Không quân Mỹ huy động vào năm 2010. Northrop Grumman, công ty phát triển máy bay ném bom, dường như đã rút ra bài học từ các chương trình trước đó như F-35 và B-2.
B-21 có gì đặc biệt?
Chương trình phát triển B-21 là một chương trình có tính cơ mật cao. Northrop Grumman công bố rất ít thông tin chi tiết về dự án này, ngoại trừ một số thông tin nhỏ giọt trên các bài báo.
B-21 Raider rõ ràng đã kế thừa nhiều đặc điểm thiết kế từ thế hệ tiền nhiệm, chẳng hạn như thiết kế "cánh bay" (flying wing) với các động cơ được gắn cố định và được định hình để giảm dấu hiệu hoạt động của radar.
Khung máy bay này cũng nhỏ hơn B-2; tải trọng của nó - số lượng đạn dược và tên lửa nó có thể mang cũng giảm một nửa. Nó không quá nhanh và cũng không phải một bước nhảy vọt lớn so với B-2 khi máy bay này được giới thiệu vào năm 1988.
Tuy nhiên, B-21 Raider lại có chi phí thấp hơn đáng kể, cả về giá mua và chi phí bảo trì. B-2 được cho là quá đắt đỏ cũng như mất nhiều thời gian để bảo trì. Trong khi đó, các máy bay giá rẻ hơn này có thể sẽ được mua với số lượng lớn.
Trong khi tàng hình là một đặc điểm quan trọng thì đó không chỉ là những gì B-21 sở hữu. Điều Không quân Mỹ và quân đội Mỹ nói chung đang nỗ lực phát triển là thiết lập mạng lưới các phương tiện tấn công và thiết bị cảm biến tầm xa có thể truyền và chia sẻ dữ liệu về đối phương trong quá trình chiến đấu.
B-21 là một lựa chọn hoàn hảo cho mạng lưới chiến lược mới này, có thể tập hợp thông tin tình báo về đối phương hoặc một khu vực và tiến hành tấn công. Nói cách khác, nó có thể thu thập và lặp lại thông tin tới các máy bay chiến đấu, vệ tinh, radar và các phương tiện khác, đồng thời cũng là một vũ khí tấn công có thể phá hủy các mục tiêu trong tầm hoạt động.
Các cuộc tấn công tầm xa có lẽ là nhiệm vụ chủ yếu của B-21 nhưng máy bay ném bom này cũng có thể tập hợp và chia sẻ thông tin tình báo, chỉ đường cho các vũ khí để phá hủy nhiều mục tiêu. Tóm lại, "bộ não" là tài sản giá trị nhất của máy bay ném bom này và việc sử dụng phần mềm nguồn mở sẽ cho phép máy bay này được nâng cấp dễ dàng, đảm bảo tính linh động và hiện đại của nó.
B-21 có thể hoạt động với cấu hình có người lái và không người lái, đồng thời có thể mang các tên lửa tàng hình tầm xa như JASSM, cũng như vũ khí hạt nhân và vũ khí theo quy ước.
Mối đe dọa với máy bay tàng hình
Những đặc điểm trên đều có vai trò thiết yếu để B-21 sống sốt trong quá trình thực hiện nhiệm vụ chiến đấu.
Tuy nhiên, một số bài báo cho biết, những cải tiến trong hệ thống radar lượng tử có thể khiến máy bay tàng hình bị phát hiện. Trung Quốc khẳng định đã phát triển được hệ thống radar có thể phát hiện các máy bay tàng hình tiên tiến nhất, song các chuyên gia phương Tây đã bác bỏ điều này.
Trong hàng thập kỷ qua, máy bay tàng hình chiếm ưu thế vượt trội trên bầu trời, vì thế, nếu radar lượng tử thực sự hoạt động, những lợi thế đáng kể mà máy bay tàng hình Mỹ đang sỡ hữu sẽ biến mất chỉ sau một đêm. Các máy bay tàng hình vì thế sẽ dễ bị phát hiện và bị bắn hạ.
Dù vậy, ngay cả khi không có khả năng tàng hình nữa, B-21 vẫn là một máy bay vô cùng đáng gờm. Nó có thể tiếp nhận thông tin với tỷ lệ lớn hơn nhiều so với các đối thủ. Điều đó tức là nó sẽ biết đối phương đang ở đâu và những khí tài mà đối phương sở hữu là gì, từ đó phá hủy các mục tiêu ở khoảng cách xa.
Khả năng thu thập, "hấp thụ" và "tiêu hóa" lượng lớn dữ liệu cùng các phương tiện liên tục được cập nhật, hệ thống cảm biến mới nhất và mạnh mẽ nhất được trang bị cũng khiến Raider sẽ trở thành một vũ khí đầy tiềm năng.
B-21 đang được phát triển để trở thành một trong những vũ khí mà bất kỳ đối thủ nào cũng lo sợ nhất bởi hầu như không thể cảnh báo khi nào máy bay này đi sâu vào không phận của đối phương. Đây cũng là nhân tố răn đe mà bất kỳ đối thủ cạnh tranh nào của Mỹ đều phải tính tới khi cân nhắc đến hành động quân sự./.