Beenos, công ty có trụ sở tại Tokyo, cho biết năm nay, giá máy cassette trên nền tảng thương mại điện tử xuyên biên giới cao hơn 50% so với năm ngoái. Trung bình mỗi máy có giá 24.000 yên (4,2 triệu đồng).
Một số máy cassette, đầu đĩa cổ điển thậm chí tăng gấp năm lần so với thập kỷ trước. Ví dụ, mẫu Walkman TPS-L2 - thiết bị nghe nhạc di động đầu tiên trên thế giới của Sony có giá gốc 33.000 yên (5,6 triệu đồng), nhưng giờ các model cũ còn hoạt động tốt đang có giá 50.000-100.000 yên (8,5-17 triệu đồng).
Đại diện BuySell Technologies cho biết: "Ngay cả những máy cũ rích cũng có giá lên đến 30.000 yên (5 triệu đồng) trong khi một thập kỷ trước, giá chính hãng của Walkman phổ thông chỉ dao động khoảng 10.000-20.000 yên (1,7-3,4 triệu đồng).
Một máy phát nhạc cassette của Sony. Ảnh: Takuro Hosoda/Nikkei Asia
Theo các chuyên gia, giá cassette tăng cao vì hiện còn rất ít người giữ lại chúng trong khi ngày càng có nhiều dân chơi muốn ra ngoài với máy nghe nhạc hoài cổ bên mình.
Nikkei Asia cho biết 90% người mua thiết bị hoài cổ này là nam giới, độ tuổi trung bình 45. Hiện một số công ty vẫn tiếp tục sản xuất máy cassette với thiết kế có phần hiện đại, trọng lượng nhẹ và được làm từ nhựa. Tuy nhiên, sức hút thật sự của những thiết bị đọc băng đời cũ lại nằm ở sức nặng của vỏ thép.
Máy nghe nhạc cassette trở nên phổ biến vào những năm 1970. Ban đầu chúng được thiết kế theo dạng boombox. Đến năm 1980, máy nghe nhạc di động phổ biến hơn sau khi Walkman ra đời. Cơn sốt nghe nhạc bằng băng cassette lụi tàn trước sự phát triển của đầu đĩa CD. Nhưng gần đây, thú vui lắng nghe tiếng dây băng rít và tiếng tách tách đặc trưng của cassette đã khiến nó một lần nữa được hồi sinh.
Không chỉ tại Nhật, cơn sốt cassette cũng quay lại Mỹ. Theo công ty dữ liệu giải trí Luminate, năm ngoái doanh số bán băng cassette ở nước này đã tăng gấp đôi, cán mốc 340.000 băng. Đây là doanh số cao nhất kể từ năm 2015. Các nghệ sĩ được nhiều khán giả trẻ yêu thích như Billie Eilish và Harry Styles cũng đã phát hành nhạc trên băng cassette.
Ngoài máy cassette, nhiều mẫu băng dây cũng được người dùng săn lùng trên các trang thương mại điện tử. Do dịch bệnh, nhiều người hoài cổ ở nước ngoài chỉ có thể tìm đến thị trường Nhật Bản qua thương mại điện tử. Đó cũng là lý do giá băng, máy phát nhạc cassette trên các trang thương mại điện tử tăng giá bất thường.
Nhà sưu tập đồ điện tử Junichi Matsuzaki cho biết: "Vì đồng yên đang mất giá nên người hâm mộ nước ngoài đang có được những chiếc máy chất lượng cao với giá hời". Matsuzaki đang sở hữu khoảng 5.000 máy cassette dạng boombox đã qua sử dụng và các loại khác được sưu tập từ khắp thế giới. Thậm chí, nhiều người chơi, dân kinh doanh từ nước ngoài đã ngỏ lời mua tất cả bộ sưu tập của Matsuzaki.
Những năm gần đây, các nghệ sĩ âm nhạc nổi tiếng ở Nhật như B'z và Tatsuro Yamashita cũng bắt đầu phát hành nhạc trên băng, nhưng hiệu quả chưa đáng kể. Ông Matsuzaki cho rằng thách thức với người chơi máy phát nhạc cassette là các cuộn băng đã xuống cấp sau thời gian dài sử dụng. Trong khi đó, số lượng băng mới được thu âm quá ít. "Các bản nhạc mới sẽ quyết định độ phổ biến của băng cassette trong tương lai", ông nói.
An Thu (theo Nikkei Asia)