Tin nhắn nghi can lừa đảo gửi tới một gia đình phụ huynh để lừa đảo, yêu cầu chuyển tiền
Mạo nhận là thầy cô giáo hoặc nhân viên của trường học, kẻ gian gọi cho phụ huynh, thông báo các con đang cấp cứu cần phẫu thuật gấp. Đồng thời, yêu cầu phụ huynh chuyển tiền ngay để bác sĩ thực hiện phẫu thuật.
Các cuộc điện thoại đều diễn ra trong giờ học nên phụ huynh khó liên lạc được với giáo viên chủ nhiệm. Vì lo cho con, nhiều người vội vã chuyển tiền vào tài khoản kẻ gian từ vài chục triệu cho đến vài trăm triệu đồng. Một số người bình tĩnh đến tận bệnh viện tìm con hoặc chờ xác nhận từ giáo viên nên thoát bẫy.
Nhiều trường học trên địa bàn TP.HCM đã gửi thông báo cảnh báo phụ huynh
Vì sao nhiều phụ huynh bị “sập bẫy” của kẻ gian?
Chia sẻ với báo chí, Bác sĩ Phạm Văn Giào, Viện trưởng Viện Ứng dụng Khoa học Tâm lý - Giáo dục, Hội Khoa học Tâm lý - Giáo dục Việt Nam cho biết, trong câu chuyện này, những phụ huynh chuyển tiền cho kẻ lừa đảo đã thiếu đi sự bình tĩnh khi tiếp nhận thông tin cũng như lắng nghe rõ ràng câu chuyện. Kẻ lừa đảo đã đánh vào tâm lý chung của cha mẹ luôn yêu thương con cái và đặt sự quan tâm đó lên hàng đầu.
Theo ông Giào, việc con đi cấp cứu, bị chấn thương sọ não là một yếu tố tạo nên cao trào nhằm cho phụ huynh mất đi bình tĩnh, thiếu đi sự tỉnh táo khi lắng nghe thông tin qua điện thoại.
"Trong những lúc khủng hoảng như thế, phụ huynh sẽ dễ dàng bị thiếu đi ý chí và sự tỉnh táo", ông Giào nói.
Mặc dù cơ quan chức năng, nhà trường đã đưa ra thông tin cảnh báo nhưng vẫn có một số phụ huynh tiếp tục sập bẫy, ông Giào cho rằng điều này thể hiện tâm lý tiếp nhận thông tin cũng như xử lý của phụ huynh còn nhiều hạn chế.
"Đó cũng là bài học kinh nghiệm xương máu cho phụ huynh. Dù gặp bất cứ một vấn đề nào, chúng ta cần giữ một trạng thái bình tĩnh, tỉnh táo, lắng nghe câu chuyện rõ ràng, tiếp xúc thông tin mạch lạc. Chúng ta cần có thời gian xác minh thông tin từ các nguồn chính thống để có quyết định đúng và kịp thời", bác sĩ Phạm Văn Giào nhấn mạnh.
Một người bị tai nạn giao thông được đưa đến khoa Cấp cứu, Bệnh viện Chợ Rẫy, trong đêm muộn (Ảnh minh họa: Duy Hiệu)
Những kẻ lừa đảo đối diện mức phạt nào?
Theo luật sư Bùi Thanh Hoan (Đoàn Luật sư TP.HCM), xét về pháp lý, hành vi của những kẻ lừa phụ huynh chuyển tiền có dấu hiệu của tội "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản" theo Điều 174 Bộ luật Hình sự.
Tuỳ theo tính chất, mức độ, hậu quả, các đối tượng lừa đảo có thể bị truy tố với mức phạt tù cao nhất từ 12 năm đến 20 năm hoặc tù chung thân.
Cũng theo luật sư Hoan, dấu hiệu cấu thành tội phạm của những kẻ lừa đảo này khá rõ ràng. Chúng tạo ra những tình huống khẩn cấp rồi dựa vào thông tin cá nhân của phụ huynh học sinh để liên lạc, yêu cầu chuyển tiền rồi chiếm đoạt số tiền đó.
"Do vậy, cơ quan điều tra cần vào cuộc điều tra, khi có dậu hiệu tội phạm phải khởi tố vụ án, khởi tố bị can để điều tra theo quy định nhằm tránh có các nạn nhân tiếp theo", luật sư Hoan nói.
Ngày 7/3, Công an TP.HCM phát thông báo cảnh báo người dân cần bình tĩnh khi nhận thông tin về việc người thân đang bị tai nạn. Người dân nên liên hệ cơ quan, công ty, trường học nơi người thân đang công tác, làm việc, học tập để kiểm tra, kiểm chứng thông tin. Trường hợp không có căn cứ rõ ràng, tuyệt đối không chuyển tiền theo yêu cầu của người lạ để phòng ngừa việc bị lừa đảo, chiếm đoạt tài sản.
Khi bị lừa đảo hoặc phát hiện những người có biểu hiện nghi vấn người dân cần liên hệ ngay với cơ quan công an nơi gần nhất hoặc liên hệ trực ban Công an TP.HCM qua số điện thoại 069.3187.344; Trực ban Phòng Cảnh sát Hình sự qua số điện thoại 069.3187.200, để cung cấp thông tin, phối hợp công an nhanh chóng điều tra, xử lý.
Kim Ngân