Một bè nổi được quân đội Ukraine sử dụng làm bệ đỡ cho các hệ thống tấn công trên biển (Ảnh: Defense Express).
Trong chiến dịch giành lại đảo Rắn, bên cạnh các hệ thống tên lửa bờ biển và máy bay không người lái, quân đội Ukraine được cho là đã sử dụng các hệ thống pháo tự hành Caesar được đặt trên mặt nước để tấn công các chốt phòng ngự của Nga trên đảo.
Báo New York Times của Mỹ đã tiết lộ về hệ thống vũ khí đặc biệt này của Kiev. Theo đó, để tăng tầm bắn cho các pháo tự hành do Pháp viện trợ, các kỹ sư Ukraine đã đặt các pháo Caesar trên các bè nổi lớn và kéo chúng ra cách bờ biển khoảng 10km. Từ khoảng cách này, pháo tự hành Caesar có đủ tầm bắn để tấn công đảo Rắn, hòn đảo tiền tiêu cách đất liền khoảng 48km.
Theo New York Times, đây là một nhiệm vụ phức tạp, đòi hỏi sự phối hợp nhịp nhàng giữa lực lượng công binh, hải quân và pháo binh Ukraine. Bên cạnh đó, yếu tố thời tiết cũng là rất quan trọng để đảm bảo sự an toàn cho kế hoạch trên.
Pháo tự hành Caesar trong biên chế quân đội Ukraine (Ảnh: AFP).
Pháo tự hành Caesar sử dụng lựu pháo với cỡ nòng 155 mm được đặt trên khung gầm của một xe tải bánh lốp sử dụng động cơ của hãng Renault. Lựu pháo của Caesar có thể khai hỏa với tốc độ 6-8 phát/phút và có thể bắn loạt 3 phát trong vòng 18 giây.
Với trọng lượng nhẹ và tốc độ di chuyển có thể lên tới 100km/h, pháo tự hành này được cho là rất phù hợp với điều kiện chiến đấu tại Ukraine. Tư lệnh các lực lượng vũ trang Ukraine Valery Zaluzhny trước đó đã ca ngợi khả năng tác chiến của các pháo tự hành Caesar.
"Caesar là thế hệ pháo tự hành mới. Nó cho phép quân đội Ukraine khai hỏa vào đối phương với độ chính xác cao ở cự ly cách tiền tuyến từ 20 km trở lên. Ở cự ly này, các đơn vị pháo binh Ukraine có thể dễ dàng áp chế và tiêu diệt các sở chỉ huy, sinh lực cũng như các đơn vị pháo binh Nga, qua đó làm giảm sức chiến đấu của đối phương. Thêm vào đó, cơ chế vận hành đơn giản giúp các binh sĩ của chúng tôi nhanh chóng nắm bắt được phương pháp tác chiến với loại vũ khí này", Tư lệnh Zaluzhny cho biết.
Giới chức Nga và Ukraine ngày 30/6 xác nhận lực lượng Nga đã rút khỏi đảo Rắn. Tuy quân đội Nga tuyên bố việc rút lui khỏi đảo tiền tiêu có ý nghĩa chiến lược quan trọng này là một "động thái thiện chí", Bộ Quốc phòng Ukraine lại khẳng định các cuộc tập kích dồn dập từ lực lượng pháo binh và không quân nước này là lý do chính buộc Nga rút khỏi hòn đảo này.
Theo thống kê sơ bộ của phía Ukraine, hơn 30 phương tiện chiến đấu của Nga, bao gồm 3 pháo phòng không tầm gần Pantsir-S1, một hệ thống tên lửa Tor-M2, một đài radar cảnh giới Mys, 2 pháo phản lực phóng loạt Tornado và Grad, một thiết bị phá sóng, một tàu tấn công nhanh cỡ nhỏ, 2 phương tiện bọc thép chở quân, 8 xe quân sự cỡ nhỏ cùng một kho đạn đã bị các vụ tập kích của quân đội Ukraine loại khỏi vòng chiến đấu.
Theo NYT, Defense Express