TOP

Trang chủ >>Sức Khỏe

Giảm thiểu tác hại của đồ uống có đường

Ngày 5/4, tại Hà Nội, Bộ Thông tin và Truyền thông phối hợp với Tổ chức Y tế thế giới (WHO), Tổ chức Healthbridge Canada tại Việt Nam tổ chức hội thảo cung cấp thông tin cho cơ quan báo chí về tác hại của đồ uống có đường và vai trò của chính sách thuế trong kiểm soát tiêu dùng.

Giảm thiểu tác hại của đồ uống có đường

Quang cảnh hội thảo. Ảnh: Đình Ký.

Hiện nay các sản phẩm đồ uống có đường ngày càng phổ biến trên thị trường, mức tiêu thụ ngày càng gia tăng trên toàn cầu, đặc biệt ở trẻ em và vị thành niên. Việc sử dụng đồ uống có đường không hợp lý là một trong những nguyên nhân chính gây ra thừa cân, béo phì và các rối loạn chuyển hóa cả ở người trưởng thành và trẻ em do làm tăng lượng calo nạp vào cơ thể, dẫn đến gia tăng tỷ lệ mắc bệnh đái tháo đường tuýp 2, tăng huyết áp, rối loạn mỡ máu cũng như các biến chứng về bệnh tim mạch, đột quỵ và tử vong. Quyết định số 155 ngày 29/1/2022 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Kế hoạch quốc gia phòng, chống bệnh không lây nhiễm và rối loạn sức khỏe tâm thần giai đoạn 2022 - 2025 (Quyết định 155) cũng đã xác định các giải pháp trọng tâm là đẩy mạnh truyền thông để nâng cao sức khỏe để giảm thiểu các hành vi nguy cơ, dự phòng mắc bệnh không lây nhiễm và rối loạn sức khỏe tâm thần, trong đó có việc sử dụng đồ uống có đường.

TS Angela Pratt - Trưởng đại điện WHO Việt Nam đánh giá, việc ban hành chính sách trên là sự nỗ lực rất lớn từ phía Chính phủ trong việc quan tâm và bảo vệ với sức khoẻ người dân, điều tiết và hạn chế sử dụng các sản phẩm ảnh hưởng đến sức khoẻ như thuốc lá, rượu, bia, đồ uống có đường quá mức. Tuy nhiên, trong 10 năm qua, người dân đã uống nhiều đồ uống có đường hơn. Trung bình, người dân Việt Nam tiêu thụ 1 lít đồ uống có đường mỗi tuần. “Không có gì đáng ngạc nhiên khi tỷ lệ thừa cân và béo phì tăng nhanh, đặc biệt là ở những người trẻ tuổi. Ở các thành phố, cứ 4 thanh thiếu niên trong độ tuổi 15-19 thì có hơn 1 người bị thừa cân hoặc béo phì. Chính vì vậy, chúng ta cần có hành động kịp thời và quyết đoán để đảo ngược những xu hướng này” - TS Angela Pratt nhấn mạnh.

Còn theo ThS Nguyễn Tuấn Lâm - đại diện WHO tại Việt Nam, người dân có thể mắc phải các bệnh khi sử dụng đồ uống có đường không hợp lý là thừa cân, béo phì; tiểu đường tuýp 2; bệnh tim mạch; bệnh thận; gan nhiễm mỡ không do rượu; sâu răng; gút; viêm khớp. Do đó, WHO khuyến nghị cần giảm tiêu thụ đường tự do. Giải pháp lâu, nên xem xét áp dụng thuế đồ uống có đường ở mức 20% giá bán lẻ theo khuyến nghị của WHO để giảm nguy cơ sức khỏe cho thế hệ tương lai.

Nhấn mạnh vai trò của chính sách thuế đối với sức khỏe con người, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ Thông tin và Truyền thông) Hồ Hồng Hải cho biết, triển khai Quyết định 155, Bộ Thông tin và Truyền thông đã có quyết định ban hành kế hoạch cung cấp thông tin báo chí về đồ uống có đường và vai trò kiểm soát chính sách thuế năm 2024. Theo ông Hải, việc sử dụng không hợp lý các sản phẩm này là nguyên nhân chính gây thừa cân béo phì, rối loạn chuyển hóa, tăng tỷ lệ đái tháo đường, tăng huyết áp, biến chứng bệnh tim mạch, đột quỵ và tử vong. Do vậy việc áp dụng thuế là cần thiết. Nghiên cứu của WHO cho thấy, trên thế giới, một biện pháp phổ biến để giảm tác hại từ đồ uống có đường là tăng giá bằng thuế. Hơn 100 quốc gia hiện đã áp dụng thuế tiêu thụ đặc biệt đối với các sản phẩm này.

Đánh giá tác động của chính sách thuế trong việc hạn chế đồ uống có đường, TS Nguyễn Thuỳ Duyên - Trường Đại học Y tế cộng đồng cũng cho rằng, nếu thuế làm tăng giá đồ uống lên 10%, mọi người sẽ uống ít hơn khoảng 11%. Nhờ vậy, chính sách này có thể đem lại thay đổi tích cực trong tình hình thừa cân béo phì đang gia tăng nhanh chóng tại Việt Nam.

Được biết, hiện Bộ Tài chính đang lấy ý kiến để sửa đổi Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi). Theo dự kiến, Chính phủ trình Quốc hội cho ý kiến đối với dự án Luật tại Kỳ họp thứ 8 (tháng 10/2024) và thông qua dự án Luật tại Kỳ họp thứ 9 (tháng 5/2025).

Theo TS Angela Pratt - Trưởng đại điện WHO Việt Nam, trong 10 năm qua, người dân đã uống nhiều đồ uống có đường hơn. Trung bình, người dân Việt Nam tiêu thụ 1 lít đồ uống có đường mỗi tuần, do đó tỷ lệ thừa cân và béo phì tăng nhanh, đặc biệt là ở những người trẻ tuổi. Ở các thành phố, cứ 4 thanh thiếu niên trong độ tuổi 15-19 thì có hơn 1 người bị thừa cân hoặc béo phì.

Nguồn daidoanket.vn

Giảm thiểu tác hại của đồ uống có đường - Sức Khỏe