Ung thư là nguyên nhân gây tử vong hàng đầu trên toàn thế giới. Theo thống kê của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), trong năm 2020, có gần 10 triệu người tử vong do mắc các bệnh ung thư.
Một số yếu tố nguy cơ dẫn tới ung thư nhưng có thể phòng ngừa được là hút thuốc, béo phì, chế độ ăn không hợp lý hay phơi nắng quá nhiều.
Các gốc tự do được hình thành trong quá trình hoạt động của các tế bào trong cơ thể có hoạt tính rất mạnh và nếu được hình thành quá nhiều, chúng có thể gây tổn thương tế bào. Thậm chí, các gốc tự do có thể phá hủy DNA, từ đó dẫn tới phát triển các bệnh ung thư.
Theo Viện Ung thư Quốc gia Hoa Kỳ, chế độ ăn uống chiếm 4% trong số các nguyên nhân dẫn tới ung thư. Một chế độ ăn nhiều trái cây, rau củ, ngũ cốc nguyên hạt, cá, thịt gia cầm và ăn ít các thịt biến sẵn, thịt đỏ sẽ giúp giảm nguy cơ mắc các bệnh ung thư. Trái cây, ngũ cốc nguyên hạt và rau củ là những nguồn cung cấp chất chống oxy hóa dồi dào.
Chất chống oxy hóa giúp trung hòa các gốc tự do trong cơ thể và ngăn ngừa tổn thương. Mặc dù cơ thể có khả năng tự sản xuất một số chất này nhưng đa phần được cung cấp qua chế độ ăn uống.
Trong một nghiên cứu mới được công bố trên tạp chí Advances in Nutrition, các chuyên gia đã xem xét mối quan hệ giữa tiêu thụ các món ăn từ nấm và việc giảm nguy cơ ung thư.
Sau khi đánh giá kết quả của 17 nghiên cứu thông qua phân tích tổng hợp và xem xét có hệ thống trên 19.000 người trưởng thành, các nhà nghiên cứu nhận thấy rằng tiêu thụ nấm nhiều hơn có hiệu quả trong giảm nguy cơ mắc các bệnh ung thư, đặc biệt là ung thư vú.
Lợi ích thu được không phụ thuộc vào loại nấm mọi người ăn mà phụ thuộc vào số lượng nấm được tiêu thụ. Theo đó, những người ăn 18g nấm mỗi ngày sẽ giảm 45% nguy cơ phát triển bệnh ung thư so với những người không ăn nấm.
Lợi ích dinh dưỡng từ nấm
Nấm rất giàu vitamin, khoáng chất và chất chống oxy hóa. Chúng cũng rất giàu axit amin ergothioneine, một chất chống oxy hóa mạnh có thể giúp chống lại các gốc tự do và giảm viêm.
Để phát huy tác dụng chống ung thư, việc ăn loại nấm nào không quan trọng mà quan trọng ăn số lượng bao nhiêu. Ảnh: Shutterstock.
Bên cạnh đó, nấm còn có nhiều giá trị dinh dưỡng khác như:
Selen
Nấm là một nguồn cung cấp tự nhiên khoáng chất selen, một chất chống oxy hóa được chứng minh có vai trò trong việc giảm nguy cơ mắc các bệnh ung thư và các bệnh mạn tính khác.
Vitamin B
Nấm rất giàu các vitamin nhóm B như B2, B3 và B5 có tác dụng bảo vệ sức khỏe tim mạch. Vitamin B2 cũng hỗ trợ sức khỏe tế bào hồng cầu trong khi B3 tốt cho hệ tiêu hóa và duy trì làn da khỏe mạnh.
Kali
Kali trong nấm có vai trò vô cùng quan trọng đối với chức năng của tim, cơ và hệ thần kinh. Lượng kali trong 2/3 chén nấm Portobello (nấm mỡ) nấu chín tương đương với lượng kali trong một quả chuối cỡ trung bình.
Vitamin D
Nấm có chứa một lượng vitamin D tự nhiên được sản sinh bởi các sterol thực vật có trong màng tế bào của nấm khi tiếp xúc với ánh sáng.
Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng sự thiếu hụt vitamin D có thể gây ra nhiều tình trạng sức khỏe như tiểu đường, tim mạch, viêm đường ruột và một số bệnh ung thư. Việc thêm các thực phẩm giàu vitamin D vào chế độ ăn uống cũng giúp bạn giảm được nguy cơ mắc các bệnh trên.
Ăn nấm như thế nào cho an toàn?
Cách chế biến nấm ảnh hưởng tới nguồn dinh dưỡng có trong nấm. Ảnh: Shutterstock.
Có rất nhiều cách để thưởng thức nấm nhưng quan trọng nhất là bạn phải chọn được nấm có nguồn gốc rõ ràng, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm.
Nguồn dinh dưỡng của nấm cũng bị ảnh hưởng ít nhiều bởi các phương pháp chế biến.
Một nghiên cứu năm 2016 cho thấy hàm lượng phenolic (chất chống oxy hóa) của nấm không thay đổi khi chế biến với các món chiên hoặc nướng. Tuy nhiên, việc sấy khô có thể ảnh hưởng tới hàm lượng chất này.