Nói đến Vân Nam, Trung Quốc, thì không thể không nhắc đến trà, nhắc đến trà thì không thể không nhắc đến Ngô Viễn Chi, người được mệnh danh là “Vua trà” xứ Vân Nam. Ông là cổ đông lớn nhất của tập đoàn sản xuất và chế biến trà của Trung Quốc, TAETEA Group. Vào ngày 19 tháng 12 năm 2021, Ngô Viễn Chi bất ngờ qua đời vì xuất huyết não khi mới ở tuổi 55.
Cái chết của ông khiến dư luận Trung Quốc dậy sóng, một số người đặt ra nghi vấn: Uống trà tốt cho sức khỏe mạch máu cơ mà, tại sao ông ấy lại đột nhiên bị xuất huyết não?
Uống trà làm giảm huyết áp hay tăng huyết áp?
Cao huyết áp là nguyên nhân chính dẫn đến xuất huyết não, mà "vua trà" Ngô Viễn Chi lại qua đời vì xuất huyết não. Thế rốt cuộc là uống trà làm giảm huyết áp hay tăng huyết áp?
Trước khi trả lời câu hỏi này, chúng ta cần tìm hiểu bệnh xuất huyết não là gì? Nói một cách đơn giản, xuất huyết não là một loại đột quỵ khi các mạch máu bị vỡ khiến máu tràn vào mô não khiến não bị tổn thương, gây tử vong. Xuất huyết não thường xảy ra ở những người có bệnh lý nền như tăng huyết áp, đái tháo đường, tim mạch, người thường xuyên hút thuốc, uống rượu. Ở giai đoạn cấp tính, tỷ lệ tử vong của bệnh xuất huyết não có thể lên tới 30% - 40%, do đó, đây được đánh giá là một bệnh lý rất nguy hiểm.
Có thể thấy, có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng xuất huyết não, và việc Ngô Viễn Chi đột ngột qua đời vì xuất huyết não thì hoàn toàn không liên quan gì đến việc uống trà.
Về vấn đề uống trà có giúp giảm huyết áp hay không, một nghiên cứu được công bố trên "Tạp chí Y học người cao tuổi Trung Quốc" đã chỉ ra rằng uống trà có thể điều chỉnh "hội chứng chuyển hóa" ở người cao tuổi. “Hội chứng chuyển hóa” là thuật ngữ chỉ nhóm những người có nguy cơ cao mắc bệnh béo phì, tim mạch, tiểu đường loại 2, cao huyết áp, bệnh mỡ máu.
Lợi ích của trà1. Giảm nguy cơ huyết áp cao
Vào năm 2018, một nghiên cứu ở Singapore thực hiện với 38.592 người Trung Quốc trong vòng 9 năm rưỡi đã cho thấy những người cao tuổi thường xuyên uống trà xanh hoặc hồng trà có huyết áp ổn định và thấp hơn so với những người không uống trà.
2. Cải thiện tình trạng rối loạn mỡ máu
Một nghiên cứu được công bố trên tạp chí Practical Geriatrics ở Trung Quốc cho thấy trà có tác dụng giúp cải thiện tình trạng rối loạn mỡ máu.
Điều này chủ yếu là do một chất gọi là polyphenol trong trà có thể ức chế sự hấp thu cholesterol trong mô ruột, giúp giảm cholesterol toàn phần trong huyết thanh, do đó trà có tác dụng giúp cải thiện tình trạng rối loạn mỡ máu.
3. Giảm đường huyết
Một nghiên cứu tại Trung Quốc vào năm 2020 với 10.825 tình nguyện viên chỉ ra rằng uống trà mỗi ngày có thể làm giảm 23% nguy cơ mắc bệnh tiểu đường.
Như vậy, có thể kết luận rằng, uống trà điều độ hợp lý vừa có lợi cho sức khỏe tim mạch, vừa có thể giúp hạ huyết áp, phòng tránh bệnh mỡ máu, phòng tránh tiểu đường ở một mức độ nhất định .
Ảnh minh hoạ: Uống trà đúng cách đem lại nhiều lợi ích cho sức khoẻ
Thực hư tin đồn uống trà gây ung thư
Trải qua hơn hàng nghìn năm lịch sử, trà vẫn luôn được coi là sản phẩm chăm sóc sức khỏe, thậm chí đã trở thành một phần không thể thiếu trong cuộc sống của một số người. Tuy nhiên, vẫn có nhiều người tỏ ra nghi ngờ, không biết liệu rằng uống trà thường xuyên có làm tăng nguy cơ mắc ung thư hay không?
Trên thực tế, xét từ thành phần của trà, ta sẽ thu được câu trả lời rõ ràng như sau:
Lá trà khô chứa khoảng 93~96,5% chất hữu cơ và 3,5~7% chất vô cơ. Ngoài ra, trà cũng rất giàu các hoạt chất sinh học, bao gồm polyphenol, theanine, polysaccharide và alkaloid,... Những thành phần này đều có lợi cho sức khỏe con người và đóng vai trò nhất định trong việc chống viêm, kháng khuẩn, chống oxy hoá và cải thiện hệ miễn dịch.
Một nghiên cứu quy mô lớn với hơn 500.000 người tham gia (từ 30 đến 79 tuổi) nhằm đánh giá mối quan hệ giữa việc uống trà và nguy cơ mắc ung thư (bao gồm ung thư phổi, ung thư ruột, ung thư gan, ung thư vú, ung thư cổ tử cung, ung thư dạ dày) đã cho thấy nếu uống trà vượt quá 4g/1 ngày sẽ làm tăng nguy cơ mắc bệnh ung thư dạ dày do ảnh hưởng của caffeine trong trà. Ngoài ra, nghiên cứu không tìm thấy bất cứ mối liên hệ nào giữa việc uống trà và tỷ lệ mắc 5 bệnh ung thư còn lại.
Như vậy, có thể kết luận rằng, uống một lượng trà thích hợp sẽ đem lại nhiều lợi ích đối với sức khỏe.
Trà để qua đêm độc ngang nọc rắn?
Việc uống trà để qua đêm cũng gây nhiều tranh cãi trong dư luận. Nhiều người cho rằng “trà để qua đêm độc ngang nọc rắn”, uống vào có thể gây ung thư, có thật như vậy không?
Kênh CCTV Finance (Kênh trực thuộc Đài truyền hình quốc gia Trung Quốc) từng tiến hành các thí nghiệm liên quan đến các loại trà để qua đêm. Họ ủ ba loại trà gốm trà Long Tỉnh, trà Phổ Nhĩ và trà Hoa Cúc trong vòng từ 12 giờ đến 24 giờ tương ứng.
Cuối cùng, họ phát hiện ra rằng cả 3 loại trà trên khi để qua đêm đều không bị hư hỏng hoặc ôi thiu, lượng nitrit trong trà vẫn ở mức thấp ≤1mg/L.
Vì vậy, trà để qua đêm không hề độc hại và gây ung thư như những lời đồn ở trên mạng.
Một số lưu ý khi uống trà:
- Không uống chè quá đặc: Chè quá đặc chứa nhiều caffein và theophyllin có thể gây mất ngủ, đau dạ dày và không tốt cho tim mạch. Vì vậy, mọi người nên hạn chế uống chè quá đặc
- Không uống trà đã bị mốc: Các thực phẩm bị nấm mốc chứa aflatoxin là một chất gây ung thư. Nếu uống trà đã bị mốc, nhẹ thì có thể gây chóng mặt, tiêu chảy, nôn mửa,… nặng thì có thể tăng nguy cơ mắc ung thư.
Tóm lại: Trà vốn là một loại thực phẩm giàu chất dinh dưỡng, đem lại những lợi ích nhất định cho sức khỏe. Tuy nhiên, khi uống trà cũng cần lưu ý một số vấn đề như uống liều lượng hợp lý, không uống trà quá đặc, không uống trà đã bị mốc,... để tránh gây hại cho sức khoẻ.